Để tránh được những sự cố không mong muốn cũng như thuận tiện hơn trong cuộc sống, phụ nữ nên nắm rõ cách để xác định ngày hành kinh của bản thân. Vậy phụ nữ thường có kinh vào ngày nào trong tháng, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục:
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng lớp niêm mạc tử cung bong do sự thay đổi nội tiết gây chảy máu từ tử cung ra ngoài âm đạo. Kinh nguyệt thường có tính chu kỳ, gọi là chu kỳ kinh nguyệt.
Tham khảo: Chu kỳ Rụng Trứng của phụ nữ [Công thức tính chính xác nhất]
Chu kỳ kinh nguyệt bao gồm tất cả những thay đổi sinh lý của cơ thể người phụ nữ, được lặp đi lặp lại có tính chu kỳ và chịu sự điều khiển bởi hệ nội tiết thông qua các hormon sinh dục.
Độ tuổi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt
Kinh nguyệt thường xuất hiện lần đầu tiên ở bé gái từ 12-16 tuổi. Đây là thời điểm bắt đầu tuổi dậy thì ở giới nữ, khi mà hormon sinh dục nữ bắt đầu được sản xuất làm thay đổi không chỉ thể trạng mà cả tâm sinh lý. Cơ thể nảy nở, cơ quan sinh dục, tuyến vú phát triển, da dẻ mịn màng hơn,…
Kinh nguyệt xuất hiện không phải quá sớm nên các bậc phụ huynh hãy quan tâm và trang bị cho con đầy đủ những kiến thức để con mình có nhận thức đúng đắn về kinh nguyệt nói riêng và tuổi dậy thì nói chung.
Dấu hiệu nhận biết “bà dì” tới
Trước mỗi lần hành kinh, cơ thể đều có những thay đổi về thể chất và đặc biệt là tâm lý. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những dấu hiệu nhận biết bà dì tới khác nhau. Có thể điểm qua một số dấu hiệu nổi bật trước mỗi kỳ kinh nguyệt sau:
Mụn trứng cá
Gần tới ngày kinh, hormon sinh dục thay đổi đột ngột làm da tăng tiết dầu gây bít tắc lỗ chân lông dẫn tới mụn trứng cá.
Căng tức ngực
Một trong những dấu hiệu khá phổ biến ở phụ nữ mỗi khi chuẩn bị đến kỳ kinh là đau, tức ngực. Thời gian này hormon nữ thay đổi trước chính là nguyên nhân khiến ngực căng lên và đau nhức.
Đau bụng kinh
Thực chất đây là những cơn chuột rút ở bụng do sự co, giãn xen kẽ nhau của lớp cơ trơn tử cung nhằm gây bong tróc lớp niêm mạc tử cung để tống xuất ra ngoài khi không có sự thụ tinh. Đây là dấu hiệu phổ biến nhất để nhận biết ngày dâu sắp đến và được biểu hiện là những cơn đau quặn ở vùng bụng dưới.
Đau khớp
Do nồng độ estrogen, có vai trò kiểm soát đau nhức xương khớp, giảm xuống trước mỗi ngày kinh nên dấu hiệu đau khớp cảm nhận thấy rõ trong thời điểm này. Đặc biệt chị em sẽ cảm thấy đau mỏi lưng dữ dội mỗi khi “bà dì” chuẩn bị ghé thăm.
Do sự thay đổi đột ngột của các yếu tố nội tiết, khoảng thời gian này chị em còn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, phù, đau lưng, táo bón hoặc đại tiện. Nhận biết sớm những dấu hiệu trên giúp phụ nữ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không gặp phải những tai nạn bất ngờ.
Thời gian một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trong bao lâu?
Thông thường thời gian của một kỳ kinh nguyệt vào khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, tùy từng người, do có các điều kiện thể chất, môi trường sinh hoạt khác nhau mà thời gian này dao động 3-5 ngày. Có thể ít hơn, khoảng 25 ngày nhưng cũng có thể lên tới 30-35 ngày.
Theo dõi thời gian của một chu kỳ kinh nguyệt giúp chị em dự đoán được ngày hành kinh tiếp theo.
Phụ nữ thường có kinh vào ngày nào trong tháng?
Do thời điểm có kinh lần đầu và thời gian của một kỳ kinh khác nhau ở mỗi người nên ngày có kinh trong tháng không vào một ngày nào cụ thể cả. Hơn nữa chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài 28-35 ngày, không đúng bằng thời gian của một tháng nên ngày kinh trong tháng còn thay đổi ở mỗi người, có thể ở đầu tháng, cuối tháng hay giữa tháng đều được.
Có những tháng bà dì ghé qua 2 lần, một lần đầu tháng, một lần cuối tháng. Có tháng thì chỉ xuất hiện một lần. Tùy vào chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người mà chị em sẽ có ngày hành kinh khác nhau, vì vậy khi có dấu hiệu bất thường hoặc sát ngày dự kiến chị em cần trang bị cho mình đầy đủ “vũ khí” để chống chọi lỡ “bà dì” có ghé qua đột ngột.
Cách tính ngày chu kỳ
Tính được chu kỳ kinh của bản thân, phụ nữ sẽ có những kế hoạch để chủ động hơn trong mỗi ngày đèn đỏ. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt được tính là khoảng thời gian tính từ ngày đầu tiên hành kinh đến ngày đầu tiên xuất hiện kinh tiếp theo.
Để có thể tính được thời gian của chu kỳ kinh nguyệt, chị em phụ nữ cần thực hiện các bước sau:
- Đầu tiên, đánh dấu trên lịch hoặc ghi lại ngày đèn đỏ đầu tiên. Đây cũng là ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
- Tiếp theo, hãy theo dõi và đánh dấu ngày xuất hiện kinh đầu tiên của lần kế tiếp. Đây là ngày kết thúc kỳ kinh nguyệt.
- Lấy ngày kết thúc trừ đi ngày mở đầu ra được thời gian của một chu kỳ kinh. Từ đó có thể dự đoán ngày hành kinh tiếp theo.
- Do chu kỳ kinh có thể thay đổi bởi nhiều yếu tố nên để chính xác, chị em hay theo dõi ít nhất 6 tháng rồi tính ra kết quả trung bình.
Hiện nay trên điện thoại di động có rất nhiều ứng dụng giúp theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và dự báo ngày đèn đỏ tiếp theo. Mọi người có thể sử dụng như một đồng hồ báo thức để chủ động hơn.
Vì sao kinh nguyệt không đều?
Kinh nguyệt có thể đến rất bất thường do chu kỳ kinh nguyệt dễ bị thay đổi, chịu tác động của nhiều yếu tố. Một số nguyên nhân nổi bật dẫn đến kinh nguyệt không đều ở phụ nữ:
Do ảnh hưởng của nội tiết tố
Hệ nội tiết hay nồng độ các hormon thay đổi theo từng giai đoạn của người phụ nữ. Ở giai đoạn dậy thì, các hormon sinh dục nữ chưa thực sự ổn định, phải mất một khoảng thời gian, chúng mới có sự cân bằng.
Hay trong thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ các hormon sinh dục giảm và khó có được sự điều hòa. Trong những khoảng thời gian này kinh nguyệt sẽ không đều và khó dự đoán. Đặc biệt phụ nữ trong thời kỳ mang thai và hầu hết trong thời gian cho con bú sẽ không xảy ra kinh nguyệt.
Thay đổi điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng
Điều này làm thay đổi thể trạng cũng như tâm lý, ảnh hưởng gián tiếp lên hệ nội tiết và sự điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Do đó làm rối loạn chu kỳ kinh và kinh nguyệt sẽ không đều.
Do bệnh lý
Các bệnh lý liên quan đến nội tiết như tiểu đường, tuyến giáp, u, ung thư… hay những tổn thương do nhiễm khuẩn, chửa ngoài dạ con,… ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi của chu kỳ kinh. dẫn tới kinh nguyệt không đều.
Do sử dụng thuốc
Nhiều thuốc có tác dụng phụ làm thay đổi thời gian của chu kỳ kinh. Vận động quá mức cũng có thể kéo dài thời gian hành kinh.
Có những nguyên nhân chị em có thể chủ động khắc phục hoặc tự thích nghi sau một thời gian và kinh nguyệt sẽ đều lại. Tuy nhiên, một số nguyên nhân, đặc biệt do bệnh lý cần có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ. Vì vậy, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt còn giúp phụ nữ kiểm tra được tình hình sức khỏe.
Lưu ý trong thời gian có “tháng”
Khi đến tháng, chị em cần có chế độ sinh hoạt và chăm sóc bản thân đặc biệt vì đây là khoảng thời gian khá nhạy cảm.
Một số chế độ phụ nữ nên làm trong ngày đèn đỏ:
- Nên ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục.
- Tắm nước ấm để thư giãn các cơ và giúp lưu thông máu.
- Nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn bằng các hoạt động như nghe nhạc, mát-xa, thiền, hoạt động thể dục nhẹ nhàng,…
- Chườm ấm bụng để giảm các cơn đau bụng kinh.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, sử dụng các loại dung dịch vệ sinh an toàn thay vì xà phòng.
- Sử dụng băng vệ sinh chất lượng, đảm bảo an toàn và thay băng thường xuyên 3-4 giờ/lần.
- Do trong những ngày này, chị em thường mất máu nên cần bổ sung các thực phẩm như trứng, sữa, rau xanh, đậu hư, thực phẩm giàu vitamin C, E như: hoa quả, bông cải, các loại hạt,…hay thực phẩm giàu kali như: chuối, bơ,…
- Uống nhiều nước.
Ngoài ra, còn phải hạn chế những việc sau:
- Không làm việc quá sức, tránh những việc gây căng thẳng, mệt mỏi.
- Không nên tắm nước lạnh.
- Không quan hệ tình dục trong ngày đèn đỏ.
- Không mặc đồ bó sát gây bí bách.
- Không nên ăn những thực phẩm có tính hàn (đậu xanh, đậu đen,…), thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, thức ăn nhanh, các chất kích thích (cà phê, chè đặc,…), thực phẩm nhiều đường.
Đây là khoảng thời gian khá nhạy cảm đối với chị em vì thế hãy chủ động nắm bắt những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân. Cập nhật kiến thức và hiểu rõ hơn về kinh nguyệt và cách tính chu kỳ kinh nguyệt giúp chị em phụ nữ làm chủ và tự tin hơn trong cuộc sống.