Bình đẳng giới là một vấn đề nhạy cảm, được các quốc gia đặc biệt quan tâm nhằm bảo vệ quyền con người. Trong đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua tiến tới bình đẳng giới. Vậy bình đẳng giới ở Việt Nam như thế nào, diễn biến ra sao. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn cái nhìn tổng quan nhất về vấn đề này.
Mục lục:
Bình đẳng giới là gì?
Bình đẳng giới là việc phụ nữ và đàn ông có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và vị thế ngang nhau trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Tất cả chúng ta khi sinh ra và lớn lên, sẽ đều được hưởng quyền lợi như nhau trên những thành tựu phát triển chung của nhân loại.
Trên thực tế, bất bình đẳng giới là vấn đề nổi cộm ở đa số các quốc gia trên thế giới. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Nơi mà phụ nữ bị hạn chế về tiếng nói, về quyền hành, về cơ hội học tập và phát triển. Vai trò của đàn ông trong gia đình cũng như xã hội được đề cao, thậm chí được phóng đại quá mức.
Nhằm đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, cho sự bình đẳng mà mọi tầng lớp xã hội luôn hướng tới, bình đẳng giới trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia. Trong đó, không thể thiếu Việt Nam.
Tại sao cần bình đẳng giới?
Bình đẳng giới là vấn đề cấp thiết, quan trọng cần được giải quyết để hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của Liên Hợp Quốc. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Như vậy, bình đẳng giới trước hết là đảm bảo quyền lợi cơ bản của con người.
Bình đẳng giới không chỉ đem lại lợi ích cho phụ nữ, mà còn giải phóng đàn ông khỏi những quan niệm được gán ghép cho họ từ nhiều đời nay.
Tham khảo: Sức khỏe giới tính
Thứ nhất, bình đẳng giới giúp gia tăng quyền lợi và địa vị cho phụ nữ trong gia đình và xã hội. Xưa nay, trong quan niệm phương Đông, phụ nữ là những người chân yếu tay mềm, chỉ nên ở nhà làm việc nhà, việc lớn sẽ là người đàn ông lo. Vì vậy mà phụ nữ vô tình bị tước đi quyền lợi được học tập và phát triển như đàn ông. Bình đẳng giới giúp nữ giới được lên tiếng, được học tập, phát triển và thể hiện hết tiềm năng. Tiếng nói của phụ nữ sẽ đưa thế giới về thế cân bằng, đại diện cho tiếng nói của một nửa thế giới cho sự phát triển bình đẳng và sự tôn trọng từ toàn xã hội.
Mặt khác, bình đẳng giới giúp giảm thiểu áp lực cho đàn ông. Họ là những người vẫn bị gắn với trách nhiệm cao cả, những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Họ bị coi là những người luôn luôn mạnh mẽ, cứng rắn. Tuy nhiên, phụ nữ hoàn toàn có thể san sẻ và cùng gánh vác với đàn ông trong gia đình. Đó là lý do tại sao bình đẳng giới là cần thiết, vì bình đẳng giới giúp giải phóng tất cả các giới, chứ không chỉ riêng phụ nữ.
Thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề bình đẳng giới vẫn là một vấn đề đáng quan ngại. Mặc dù các chính sách đã được triển khai, và cũng đã đem lại những kết quả nhất định khi phụ nữ ngày càng có tiếng nói trong xã hội. Tuy nhiên, ở đâu đó bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và kìm hãm sự phát triển tốt nhất của xã hội.
Trên thực tế, phụ nữ và các bé gái ở Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới trên một số lĩnh vực nhất định. Tình trạng này diễn ra nhiều ở những vùng kém phát triển hay đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số ví dụ điểm hình có thể kể đến như:
- Tỉ lệ lao động nữ thấp hơn lao động nam
- Mức lương của lao động nữ vẫn thấp hơn, chỉ bằng khoảng 80% của nam giới.
- Thời gian phụ nữ dành cho lao động không công gấp đôi nam giới, cụ thể là việc nhà. Điều này kéo theo quỹ thời gian của phụ nữ eo hẹp hơn và bị hạn chế trong một số lĩnh vực khác của đời sống.
- Đặc biệt, quan niệm phụ hệ truyền thống và tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng khiến địa vị của phụ nữ trong gia đình bị ảnh hưởng.
Thách thức trong vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam
Mặc dù đang được quan tâm và thúc đẩy, những vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đang gặp những thách thức nhất định.
Về kinh tế, phải giải quyết được vấn đề chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ ở cùng một vị trí và mức độ đóng góp cho công việc. Thu nhập bình quân của lao động nữ thực tế thấp hơn nam giới. Trong khi đó, nữ giới là đối tượng dễ chịu tổn thương hơn và dễ gặp rủi ro trong công việc hơn. Nữ giới lại chưa được xem trọng và đánh giá công bằng so với nam giới.
Về chính trị – xã hội, tỉ lệ nữ giới tham gia vào cơ quan quản lý, tầng lớp lãnh đạo còn ít. Một phần cũng do vấn đề nhận thức và những rào cản gia đình, quan niệm xã hội xưa.
Cụ thể hơn nữa, trong phạm vi gia đình, nữ giới đã không có quyền lợi bằng nam giới. Trong khi nữ giới làm việc nhà, chăm sóc gia đình và không được trả thù lao, nhiều người coi đó là lẽ đương nhiên. Phụ nữ cũng đang trở thành nạn nhân của nạn bạo lực gia đình vô cùng nhức nhối trong xã hội.
Chỉ khi giải quyết được những vấn đề trên, phụ nữ trong xã hội mới thực sự có tiếng nói và sự đấu tranh cho bình đẳng giới ở Việt Nam mới đạt được kết quả của nó.
Quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới
Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện rõ trong các văn bản pháp luật cao nhất, quyền lực nhất. Trong đó quy định rất rõ về quyền bình đẳng của con người. Cụ thể như sau.
Ngay điều đầu tiên, hiến pháp năm 1946 đã quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”
Điều 26, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.” Và đặc biệt là “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.”
Ngoài ra, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Những quy định, điều lệ trong này chính là kim chỉ nam để hướng tới mục tiêu xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
>> Xem thêm:
Những giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam
Để thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là một hành trình dài đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan, bộ máy chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Có một số giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta như sau:
- Thứ nhất, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.
- Thứ hai, hoàn thiện và củng cố hệ thống quy định, pháp lý, thực hiện các chính sách, chủ trương nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
- Thứ ba, thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống như trong gia đình, trong công việc, trong lĩnh vực chính trị – xã hội.
- Thứ tư, tuyên dương, khen thưởng và lan rộng các mô hình tiêu biểu về bình đẳng giới, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trong toàn thể nhân dân.
Bài viết trên đã cho bạn một cái nhìn tổng quan về vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói đây là mục tiêu quan trọng mà toàn xã hội đang hướng tới. Hãy cùng nhau cố gắng vì một xã hội công bằng, văn minh bạn nhé!